Bài viết Những vấn đề chung về quản lý thuế tại Việt Nam

Những vấn đề chung về quản lý thuế
1. Một số quan niệm về quản lý thuế

Quản lý thuế là quá trình hoạch định kế hoạch thuế cũng như chương trình mục tiêu, tổ chức thực hiện, chỉ đạo và kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện so với mục tiêu đề ra, phát hiện những sai sót và gian lận để uốn nắn, chỉnh sửa trong công tác quản lý ở những kỳ tiếp theo.

Quy trình quản lý thuế luôn gắn với quá trình nhà quản lý thuế (chủ thể quản lý) sử dụng các chức năng quản lý tác động tới khách thể quản lý (đối tượng nộp thuế) nhằm đạt được các mục tiêu quản lý. Các chức năng quản lý thuế bao gồm bốn nhóm cơ bản gắn với quy trình quản lý thuế bao gồm: Nhóm chức năng hoạch định như lập kế hoạch thuế, chuẩn bị điều kiện thực hiện; Nhóm chức năng tổ chức như tổ chức bộ máy, tổ chức nhân sự, ra quyết định, tổ chức hoạt động; nhóm chức năng chỉ đạo như hướng dẫn, phối hợp, điều chỉnh quá trình thực hiện kế hoạch thuế; nhóm chức năng kiểm tra bao gồm đo lường, so sánh, đánh giá, cưỡng chế thi hành, đúc rút kinh nghiệm, khen thưởng, chuẩn bị cho chu kỳ quản lý tiếp theo.

Hình 1: Mối quan hệ giữa cơ quan quản lý thuế và đối tượng bị điều chỉnh

1591105882889.png


Liên quan đến các quy trình quản lý theo các chức năng trên có các khái niệm cần được nghiên cứu bao gồm: Đại diện của người nộp thuế; Trụ sở của người nộp thuế; Mã số thuế; Kỳ tính thuế; Tờ khai thuế; Hồ sơ thuế; Khai quyết toán thuế; Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế (Xem cụ thể điều 5 Luật Quản lý thuế).

2. Chủ thể quản lý

Chủ thể trực tiếp là các tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia trực tiếp vào quá trình hoạch định, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra quá trình dịch chuyển của dòng thuế, bao gồm: Bộ tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc nhà nước, Quốc hội, UBND, HĐND các cấp, Hội đồng tư vấn thuế xã phường.

Chủ thể gián tiếp là các tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia gián tiếp vào quá trình hoạch định, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra công tác đăng ký, kê khai, tính thu nộp, quyết toán và thanh, kiểm tra. Bao gồm: các cơ quan Nhà nước có chức năng phối hợp với cơ quan thuế trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thuế, phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc quản lý thuế; tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế, cơ quan có chức năng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh tội phạm vi phạm pháp luật về thuế...; tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài nước có liên quan đến công tác quản lý thuế.

Việt Nam hiện nay trách nhiệm và quyền hạn của các chủ thể trực tiếp và gián tiếp trong công tác quản lý thuế được quy định cụ thể tại các điều từ điều 8 đến điều 17 trong Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

3. Đối tượng bị quản lý

Tổ chức, cá nhân có hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật (gọi tắt là người nộp thuế) có trách nhiệm nộp tiền thuế cũng như nộp các khoản thu khác (gọi tắt là thuế) vào NSNN do cơ quan quản lý thu. Người nộp thuế được xác lập các quyền và nghĩa vụ cụ thể trong luật định (điều 6 và điều 7 Luật Quản lý thuế).

Đối tượng nộp thuế được chia thành hai loại:
(i) Đối tượng nộp thuế theo phương pháp kê khai bao gồm các tổ chức, cá nhân có hạch toán kế toán , có đủ hồ sơ giấy tờ số liệu để tự khai, tự tính thuế
(ii) Đối tượng nộp thuế theo phương pháp khoán thuế là các đối tượng không hạch toán kế toán hoặc hạch toán kế toán không đầy đủ để tự khai thuế, bao gồm cá nhân, hộ gia đình và tổ chức không có tư cách pháp nhân không sử dụng hóa đơn, chứng từ hoặc có sử dụng hóa đơn, chứng từ nhưng không đủ để hạch toán kế toán .

Hình thức quản lý thu nộp

Đối tượng thuế có thể được chủ động hoặc bị động trong nghĩa vụ thuế của mình tùy theo từng hình thức quản lý của cơ quan thu. Theo cơ chế quản lý chuyên quản, cán bộ thuế trực tiếp quản lý, hướng dẫn đối tượng kê khai, rồi tính thuế, ra thông báo thuế cho đối tượng nộp, theo hình thức này đối tượng thuế bị động, ỷ lại cho cơ quan thu, ít trau dồi kiến thức pháp luật thuế, chi phí thu tăng cao, hiệu quả hành thu thấp, tính rõ ràng, minh bạch trong quản lý thuế thấp. Ngược lại, theo cơ chế quản lý thu theo chức năng đối tượng nộp được tự khai, tự tính, tự nộp số tiền thuế theo luật định, cơ chế này khắc phục được các nhược điểm cơ bản của cơ chế chuyên quản, tuy nhiên đòi hỏi trình độ quản lý thuế phải được nâng cao, việc hiện đại hóa ngành Thuế phải được đảm bảo, cơ sở hạ tầng thông tin phải tốt.

Nguyên tắc quản lý thuế

Quản lý thuế theo luật, mọi tổ chức cá nhân đều có trách nhiệm tham gia quản lý thuế. Quản lý thuế phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.
 

Bài vừa mới gửi

Top