Chi phí logistics tăng gấp 10 lần trong một tuần

Trạng thái
Chủ đề này đang đóng, bạn không thể trả lời, nếu vướng mắc vui lòng liên hệ với quản trị.
Theo bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Western Pacific, chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy khiến cước vận chuyển phi mã, doanh nghiệp logistics phải tìm cách thích nghi với bối cảnh mới.

Điểm yếu của ngành logistics Việt Nam

Khách mời của talk Nguy - Cơ số 8, mùa 2 là nữ doanh nhân Phạm Thị Bích Huệ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý và Khai thác cảng quốc tế Long An kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Western Pacific, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành, chị cho rằng logistics là ngành biến động nhanh so với mặt bằng chung. 10 năm trước, nói đến logistics mọi người thường nghĩ là ngành phục vụ cho hàng hóa giao thương và xuất nhập khẩu. Còn thời gian qua, ngành đã dần chuyển dịch, với trên 50% phục vụ thị phần tiêu thụ nội địa, đi theo sự tăng trưởng đột biến của thương mại điện tử. Điều này đặt ra nhiều yêu cầu về đổi mới công nghệ và chi phí vốn trong việc đầu tư các trung tâm logistics đi cùng với các trung tâm thương mại điện tử.

Phạm Thị Bích Huệ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý và Khai thác cảng quốc tế Long An kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Western Pacific, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam. Ảnh: NVCC

Phạm Thị Bích Huệ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý và Khai thác cảng quốc tế Long An kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Western Pacific, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam. Ảnh: NVCC

Theo Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, ngành logistics Việt Nam vốn có điểm yếu là quy hoạch không đồng bộ, dẫn đến các cơ sở hạ tầng đi theo gặp khó. Thị phần logistics của Việt Nam đang ngày càng thu nhỏ, trong khi các tập đoàn đa quốc gia ngày càng mở rộng. Các tập đoàn này có kinh nghiệm, mạng lưới và khả năng tài chính lớn. Ngược lại, ngành logistics của Việt Nam đang thụ động do không có đội tàu, tất cả chịu chi phối của các tập đoàn đa quốc gia. Việc tăng, giảm trong tổng chi phí logistics liên quan đến các cước phí vận chuyển của tàu rất cao, chiếm thị phần lớn trong ngành, nhưng Việt Nam không kiểm soát được. Nếu có một Chính phủ hay là nước nào đó tác động vào đội tàu sẽ khiến thị phần giao thương hàng hóa của Việt Nam gặp khó.

Trước tác động của Covid-19, ngành logistics chịu chung ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. "Có khi mới một tuần, chi phí cước đã tăng lên 1.000%, gấp 10 lần. Chúng tôi bị gãy những đàm phán và kế hoạch kinh doanh trước đó. Doanh nghiệp không thể có một chiến lược dài hơi trong ngành, mà phải nghe ngóng, thăm dò thị trường và thích nghi với tính thực tế", chị Huệ nói.

So với mặt bằng chung, đại dịch vừa qua, ngành logistics là ngành có chỉ số tốt hơn so các ngành khác. Trong khi đối tượng logistics phục vụ cho hàng xuất nhập khẩu có sự ảnh hưởng lớn và giảm rất nhiều; thì các doanh nghiệp đã có sự chuyển hướng, đầu tư thêm về logistics để phục vụ thị trường tiêu thụ nội địa, thương mại điện tử đều đã tăng trưởng.

Theo chị Bích Huệ, các doanh nghiệp logistics Việt Nam trước nay phát triển tương đối manh mún, đôi khi chỉ tham gia vào một khâu. Ngoài ra doanh nghiệp nắm các tài sản hạ tầng logistics lớn hầu như là các doanh nghiệp đi lên từ doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa.

"Nếu như các doanh nghiệp chỉ đi theo một mảng như vậy sẽ chỉ mang tính thời vụ. Và với sự phát triển mạnh của ngành như bây giờ, chúng ta sẽ không có sự chuyển biến. Nhiều doanh nghiệp tôi biết đều chia sẻ đang gặp nhiều khó khăn vì chuyển đổi đang chậm và không thích nghi được với thị trường", chị Huệ nói.

Cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành logistics

Tuy nhiên, nữ doanh nhân cũng nhận thấy nhiều cơ hội cho ngành logistics Việt Nam. Thứ nhất là, các trung tâm logistics và thương mại điện tử đang nổi lên, đòi hỏi những vị trí về đất tạo nên những hạ tầng thiết yếu cho ngành. Nếu doanh nghiệp có sự liên kết với nhau, có những kiến nghị với Chính phủ để tiếp cận các quy hoạch sớm nhất và đồng bộ từ ban đầu, chúng ta có thể đi nhanh hơn các tập đoàn đa quốc gia. "Là bởi, các thủ tục pháp lý để tiếp cận với đất đai, với các nguồn tài nguyên, hơn ai hết chúng ta sẽ mạnh hơn, linh hoạt hơn. Tôi nghĩ để làm được điều này thì phải có những doanh nghiệp sếu đầu đàn tạo ra những hiệu ứng, chợ trung tâm mới từ đó điều tiết thị phần thị trường một cách thích hợp".

Gây dựng lại doanh nghiệp sau vụ hoả hoạn kho hàng trị giá 70 triệu USD hồi 2019, doanh nhân Bích Huệ tự tin chia sẻ rằng doanh nghiệp có nhiều "kháng thể" để đối diện với đại dịch. "Đó là một trong những lý do mà Western Pacific mặc dù có bị ảnh hưởng nhưng mọi người đều có một tinh thần lạc quan và luôn cười là từ trong đống tro tàn mà mình còn đứng lên được thì huống gì từ đại dịch", nữ doanh nhân nói.

Ảnh cắt màn hình talk Nguy - Cơ số 8, mùa 2.

Ảnh cắt màn hình talk Nguy - Cơ số 8, mùa 2.

Doanh nhân trẻ tự nhận mình là người đam mê logistics, luôn nghĩ về việc "cải tiến", đi tìm những giải pháp tối ưu về con người, về chi phí, về thời gian. Chị cho biết mỗi năm đội ngũ của mình sẽ có 5-10 chuyến đi nước ngoài để học hỏi các mô hình thành công của các nước, sau đó áp dụng lại cho doanh nghiệp trong khả năng của mình. Western Pacific là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong việc chuyển đổi số và áp dụng công nghệ trong vận hành và quản lý.

Nhìn nhận về những thay đổi của ngành logistics Việt Nam trong tương lai, doanh nhân Phạm Thị Bích Huệ bày tỏ góc nhìn tích cực. Củng cố cho quan điểm của chị là việc các Chính phủ đang ngày càng quan tâm đến logistics. Các lãnh đạo địa phương khi quy hoạch các vùng, các khu công nghiệp đều đặt vấn đề về logistics đồng hành. "Hiện nay, mọi người nhìn nhận và đánh giá được vai trò quan trọng của logistics trong nền kinh tế. Các dịch vụ thuê ngoài của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang ngày càng tăng. Rõ ràng logistics đang phát triển theo một chiều hướng sâu hơn", chị Huệ nói.

Từ góc độ của một người chuyên môn trong ngành, chị Huệ cho rằng, các nhà sáng lập muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này cần phải am hiểu sâu về ngành. "Chúng tôi có chuỗi logistics từ mức thấp nhất đến cao nhất. Và nếu các bạn khởi nghiệp về ngành công nghệ có được giải pháp kết nối tất cả chuỗi cung ứng, chuỗi logistics sẽ rất tốt".

Theo nữ doanh nhân, cảng biển là một trong những ngành cốt lõi của bất cứ quốc gia nào trong đó có Việt Nam. Nhưng lúc này, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp công nghệ nào phát triển được một hệ thống phần mềm quản lý cảng biển quốc tế. "Bản thân công ty cảng quốc tế Long An vẫn phải sử dụng một ít từ bên này, một ít từ bên kia để ghép lại. Đây cũng là một thị phần ngách mà startup có thể đi đến. Nếu như vậy, thị phần logistics cũng bớt được một thách thức về chuyển đổi số và công nghệ", chị Bích Huệ cho biết.

Nguồn: vnexpress​
 

Bài vừa mới gửi

Trạng thái
Chủ đề này đang đóng, bạn không thể trả lời, nếu vướng mắc vui lòng liên hệ với quản trị.
Top