Kinh doanh bệnh viện: Nơi lãi lớn, nơi thua lỗ cả trăm tỷ đồng

Trạng thái
Chủ đề này đang đóng, bạn không thể trả lời, nếu vướng mắc vui lòng liên hệ với quản trị.
Một số bệnh viện công khai kết quả tài chính có kết quả kinh doanh rất khác biệt nhưng có điểm chung là hoạt động đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bệnh viện đầu tiên niêm yết trên sàn lãi 50 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã chứng khoán: TNH) ghi nhận doanh thu 109 tỷ đồng trong quý II, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây là bệnh viện đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán từ đầu năm nay.
Tuy nhiên, các chi phí lãi vay, lương nhân viên tăng mạnh bào mòn biên lợi nhuận của bệnh viện này. Lợi nhuận sau thuế của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên quý II là 35 tỷ đồng, chỉ tương đương cùng kỳ 2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 185 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ tăng nhẹ 6% lên 50 tỷ đồng.
So với kế hoạch kinh doanh cả năm, bệnh viện này mới chỉ đạt 36% mục tiêu lợi nhuận. Bệnh viện đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn cho biết theo chu kỳ thông thường, 2 quý đầu năm sẽ có doanh số thấp hơn 6 tháng cuối năm. Bệnh viện vẫn tự tin hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Kinh doanh bệnh viện: Nơi lãi lớn, nơi thua lỗ cả trăm tỷ đồng - 1

Biểu đồ: Việt Đức.

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên hoạt động vào đầu năm 2014 với quy mô ban đầu 150 giường bệnh cùng vốn điều lệ 28 tỷ đồng. Năm 2019, doanh nghiệp xây dựng, đưa vào hoạt động thêm một bệnh viện thành viên và tăng vốn lên 415 tỷ đồng.
Bệnh viện tim lãi thấp kỷ lục
Trước Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Bệnh viện Tim Tâm Đức (mã chứng khoán: TTD) đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM từ năm 2017 nhưng vẫn chưa niêm yết.
Quý II vừa qua, Bệnh viện Tim Tâm Đức đạt doanh số 111 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, do biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, chi phí lương cho nhân viên lại tăng lên, lợi nhuận ròng quý II của bệnh viện này chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng, giảm hơn 90%, cũng là mức lợi nhuận thấp kỷ lục trong một quý của doanh nghiệp.
Sau 6 tháng, bệnh viện có trụ sở tại TPHCM đạt doanh thu 255 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi sau thuế giảm 24% còn 19 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, bệnh viện mới hoàn thành 39% chỉ tiêu lợi nhuận.
Kinh doanh bệnh viện: Nơi lãi lớn, nơi thua lỗ cả trăm tỷ đồng - 2

Biểu đồ: Việt Đức.

Trong văn bản lý giải kết quả kinh doanh kém khả quan, CEO Bệnh viện Tim Tâm Đức cho biết tình hình dịch bệnh đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của bệnh viện. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh giảm chỉ còn 30%.
Công ty đã có kế hoạch giảm 15% nhân sự để phù hợp hoạt động thực tế. Phần chi phí nhân sự giảm tương ứng sẽ bắt đầu từ quý III.
Cũng vì chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bệnh viện này đã quyết định chấm dứt hoạt động của 2 phòng khám đa khoa trực thuộc trên địa bàn TPHCM hoạt động không hiệu quả. Bệnh viện cũng phải hợp nhất một số khoa điều trị nội trú để tối ưu hoạt động.
Bệnh viện liên quan bầu Hiển thua lỗ nặng
Dù chưa hoàn thành 50% kế hoạch năm, tình hình kinh doanh của các bệnh viện trên vẫn sáng sủa hơn nhiều so với một vài đơn vị khác, điển hình như Công ty Cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải.
Quý II, bệnh viện tại Hà Nội này giảm 16% doanh thu chỉ còn 27 tỷ đồng. Doanh thu không đủ bù giá vốn, Bệnh viện Giao thông Vận tải lỗ gộp 6 tỷ đồng.
Sau khi hạch toán thêm chi phí quản lý, bệnh viện thua lỗ tổng cộng 11 tỷ đồng. Quý II năm trước, bệnh viện này cũng lỗ sau thuế 8 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, Bệnh viện Giao thông Vận tải giảm gần 20% doanh thu so với cùng kỳ 2020 còn 57 tỷ đồng. Khoản lỗ ròng sau 2 quý của bệnh viện lên tới 24 tỷ, cao hơn mức lỗ 17 tỷ cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm ngày 30/6, lỗ lũy kế của Bệnh viện Giao thông Vận tải lên tới 176 tỷ đồng.
Kinh doanh bệnh viện: Nơi lãi lớn, nơi thua lỗ cả trăm tỷ đồng - 3

Biểu đồ: Việt Đức.

Bệnh viện Giao thông Vận tải từng thuộc sở hữu của Tập đoàn T&T, doanh nghiệp của ông bầu bóng đá nổi tiếng Đỗ Quang Hiển. Năm 2015, T&T tham gia đầu tư khi đơn vị cổ phần hóa, nắm quyền chi phối với hơn 51% cổ phần.
Tuy nhiên, sau đó cổ đông Nhà nước xác định lại giá trị vốn tại thời điểm chuyển đổi bệnh viện sang công ty cổ phần. T&T mất quyền kiểm soát Bệnh viện Giao thông Vận tải khi tỷ lệ sở hữu bị giảm từ 51% xuống còn 22% dù số lượng cổ phiếu nắm giữ không đổi. Bệnh viện lại trở về thuộc sở hữu công khi vốn Nhà nước chiếm tới 71%.
Phía T&T đã có văn bản nêu ý kiến muốn thoái toàn bộ vốn đầu tư vì tỷ lệ sở hữu 22% không đủ để tập đoàn phát triển bệnh viện, trái với lộ trình ban đầu sẽ được nắm quyền chi phối. Tuy nhiên, hiện tại T&T vẫn chưa thể rút chân khỏi bệnh viện này.
Nguồn: dantri​
 

Trạng thái
Chủ đề này đang đóng, bạn không thể trả lời, nếu vướng mắc vui lòng liên hệ với quản trị.
Top