Thuế GTGT Kiến thức về thuế GTGT? Trường hợp nào được hoàn thuế GTGT?

Thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) là loại thuế gián thu, được tính trên giá trị tăng của hàng hóa và dịch vụ phát sinh trong suốt quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Vậy thuế GTGT có vai trò quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế? Cùng S.I.S tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.


Vai trò của thuế GTGT đối với nền kinh tế
Thuế GTGT có vai trò vô cùng quan trọng đến nền kinh tế Việt Nam, cụ thể:
  • Đối với hoạt động lưu thông hàng hóa
Thuế giá trị gia tăng có tác dụng điều tiết thu nhập của tổ chức, cá nhân tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng. Điều này giúp thúc đẩy sản xuất phát triển, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và mở rộng quá trình lưu thông hàng hóa.
  • Đối với hoạt động quản lý kinh tế của nhà nước
Thuế VAT chính là nguồn thu quan trọng của Ngân sách nhà nước. Đây là nguồn thu lớn và ổn định trong ngân sách nhà nước. Ở Việt Nam, thuế giá trị gia tăng hiện nay chiếm tỷ trọng khoảng 20 – 30% trong tổng thu từ thuế, phí và lệ phí.
  • Đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ
Thuế GTGT khuyến khích xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ không những không phải chịu thuế giá trị gia tăng ở khâu xuất khẩu mà còn được hoàn toàn bộ số thuế đầu vào đã thu ở khâu trước. Điều này có tác dụng giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, thuế VAT còn có vai trò trong việc thúc đẩy thực hiện chế độ hạch toán kế toán ; sử dụng hoá đơn, chứng từ và thanh toán qua ngân hàng.

Các trường hợp được hoàn thuế GTGT

Trường hợp 1: Cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT .

Trường hợp 2: Cơ sở kinh doanh đó có số thuế GTGT chưa được khấu trừ từ 300 triệu trở lên trong tháng, quý thì sẽ được hoàn thuế GTGT .

Lưu ý: Trường hợp cơ sở kinh doanh có hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan thì không được hoàn thuế.

Trường hợp 3: Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế GTGT khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế GTGT nộp thừa hoặc số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết.

Trường hợp 4: Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp được hoàn thuế đối với hàng hóa mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh.

Trường hợp 5: Tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ không hoàn lại, tiền viện trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo tại Việt Nam thì được hoàn số thuế GTGT đã trả cho hàng hóa, dịch vụ đó.

Trường hợp 6: Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để sử dụng được hoàn số thuế GTGT đã trả ghi trên hóa đơn GTGT hoặc trên chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán đã có thuế GTGT.

Trường hợp 7: Cơ sở kinh doanh có quyết định hoàn thuế GTGT của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thủ tục hoàn thuế GTGT
Thủ tục hoàn thuế GTGT gồm 3 bước:

+ Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ hoàn thuế

+ Bước 2: Nộp hồ sơ

+ Bước 3: Xử lý hồ sơ, ra quyết định và trả tiền thuế GTGT cho người nộp thuế

Bài viết trên đây là những thông tin cần biết về thuế GTGT: vai trò, đối tượng xem xét thuế GTGT và các trường hợp được hoàn thuế GTGT. Hy vọng sẽ hữu ích đối với bạn đọc

Nguồn: sis.vn
 

Top