Hệ thống chuẩn mực kế toán việt nam: Chuẩn mực kế toán 01

Chuẩn mực kế toán 01 được Bộ tài chính (BTC) ban hành năm 2002 nhằm quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và yêu cầu kế toán cơ bản. Bao gồm các yếu tố và ghi nhận các yếu tố của báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Bài viết dưới đãy sẽ đề cập tới nội dung chính của chuẩn mực kế toán 01 – chuẩn mực chung.
1. Nội dung của chuẩn mực kế toán 01
Cơ sở dồn tích
Kế toán cần ghi sổ kế toán thời điểm phát sinh mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính liên quan đến nợ cần trả, tài sản, vốn, doanh thu, chi phí…

BCTC lập trên cơ sở dồn tích phản ảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Hoạt động Liên tục
  • BCTC phải được lập trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục. Và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần.
Nghĩa là doanh nghiệp không có ý định cũng như không buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động của mình.

  • Trường hợp thực tế khác với giả định hoạt động liên tục thì BCTC phải lập trên một cơ sở khác. Và phải giải thích cơ sở đã sử dụng để lập báo cáo tài chính.
Giá gốc
  • Tài sản phải được ghi nhận theo giá gốc.
  • Giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền đã trả, phải trả. Hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận.
  • Giá gốc của tài sản không được thay đổi trừ khi có quy định khác trong chuẩn mực kế toán cụ thể.
Phù hợp
  • Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau.
  • Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng.
  • Chi phí tương ứng với doanh thu gồm:
Chi phí của kỳ tạo ra doanh thu; Chi phí của các kỳ trước hoặc Chi phí phải trả nhưng liên quan đến doanh thu của kỳ đó.

Nhất quán
  • Các chính sách và phương pháp kế toán doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng thống nhất. Ít nhất trong một kỳ kế toán năm.
  • Nếu có thay thì phải giải trình lý do và ảnh hưởng của sự thay đổi đó trong thuyết minh BCTC.
Thận trọng
Xem xét, cân nhắc, phán đoán để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn. Nguyên tắc thận trọng đòi hỏi:

  • Phải lập các khoản dự phòng nhưng không lập quá lớn;
  • Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập;
  • Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí;
  • Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế. Chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí.
Trọng yếu
Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thiếu chính xác của thông tin đó có thể làm sai lệch đáng kể BCTC . Làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng BCTC .

Tính trọng yếu phụ thuộc vào độ lớn và tính chất của thông tin hoặc các sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể. Tính trọng yếu của thông tin phải được xem xét trên cả phương diện định lượng và định tính.

2. Chuẩn mực kế toán 01: Các yêu cầu cơ bản đối với kế toán
Trung thực
Thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo phải có bằng chứng đầy đủ, khách quan và đúng với thực tế về hiện trạng, bản chất nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
Khách quan
Thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo đúng với thực tế, không bị xuyên tạc, không bị bóp méo.

Đầy đủ
Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến kỳ kế toán phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ, không bị bỏ sót.

Kịp thời
Thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo kịp thời, đúng hoặc trước thời hạn quy định.

Dễ hiểu
Thông tin và số liệu kế toán trình bày trong báo cáo tài chính phải rõ ràng, dễ hiểu. Do người sử là người có hiểu biết về kinh doanh, về kinh tế, tài chính, kế toán ở mức trung bình. Thông tin về những vấn đề phức tạp trong BCTC phải được giải trình trong phần thuyết minh.

Có thể so sánh
Thông tin và số liệu kế toán giữa các kỳ kế toán trong một doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp chỉ có thể so sánh được khi tính toán và trình bày nhất quán.
Trường hợp không nhất quán thì phải giải trình trong phần thuyết minh.
Các yêu cầu kế toán nói trên phải được thực hiện đồng thời. Ví dụ: Yêu cầu trung thực đã bao hàm yêu cầu khách quan; yêu cầu kịp thời nhưng phải đầy đủ, dễ hiểu và có thể so sánh được.

3. Chuẩn mực kế toán 01: Các yếu tố của Báo cáo tài chính
Tình hình tài chính
Các yếu tố có liên quan trực tiếp tới việc xác định và đánh giá tình hình tài chính:
  • Tài sản:
Là nguồn lực do doanh nghiệp kiểm soát và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai.​
  • Nợ phải trả:
Là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp phát sinh từ các giao dịch và sự kiện đã qua. Doanh nghiệp phải thanh toán từ các nguồn lực của mình.​
  • Vốn chủ sở hữu:
Là giá trị vốn của doanh nghiệp. Vốn CSH = Tài sản của doanh nghiệp – Nợ phải trả.​
Khi xác định các khoản mục trong các yếu tố của báo cáo tài chính phải chú ý đến hình thức sở hữu và nội dung kinh tế của chúng. Trong một số trường hợp, tài sản không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhưng căn cứ vào nội dung kinh tế của tài sản thì được phản ảnh trong các yếu tố của báo cáo tài chính .
Tài sản
  • Lợi ích kinh tế trong tương lai của một tài sản là tiềm năng làm tăng nguồn tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp. Hoặc làm giảm bớt các khoản tiền mà doanh nghiệp phải chi ra.
  • Lợi ích kinh tế trong tương lai của một tài sản được thể hiện qua 4 trường hợp:
+ Được sử dụng một cách đơn lẻ hoặc kết hợp với các tài sản khác trong sản xuất sản phẩm để bán hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng;​
+ Để bán hoặc trao đổi lấy tài sản khác;​
+ Để thanh toán các khoản nợ phải trả;​
+ Để phân phối cho các chủ sở hữu doanh nghiệp.​

  • Tài sản được biểu hiện bằng hình thái vật chất: Nhà xưởng, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hoá.
Tài sản không biểu hiện bằng hình thái vật chất: Bản quyền, bằng sáng chế.

  • Tài sản của doanh nghiệp còn bao gồm các tài sản không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp kiểm soát và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai.
  • Tài sản của doanh nghiệp được hình thành từ các giao dịch hoặc các sự kiện đã qua. Như góp vốn, mua sắm, tự sản xuất, được cấp, được biếu tặng.
  • Thông thường khi các khoản chi phí phát sinh sẽ tạo ra tài sản.
    Đối với các khoản chi phí không tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai thì không tạo ra tài sản;
    Hoặc có trường hợp không phát sinh chi phí nhưng vẫn tạo ra tài sản. Ví dụ: vốn góp, tài sản được cấp, được biếu tặng.
Nợ phải trả
Nợ phải trả xác định nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp khi doanh nghiệp nhận về một tài sản, tham gia một cam kết hoặc phát sinh các nghĩa vụ pháp lý.
Thanh toán các nghĩa vụ hiện tại có thể được thực hiện bằng nhiều cách, như:

  • Trả bằng tiền;
  • Trả bằng tài sản khác;
  • Cung cấp dịch vụ;
  • Thay thế nghĩa vụ này bằng nghĩa vụ khác;
  • Chuyển đổi nghĩa vụ nợ phải trả thành vốn chủ sở hữu.
Vốn chủ sở hữu
Vốn chủ sở hữu bao gồm:
  • Vốn của các nhà đầu tư có thể là vốn của chủ doanh nghiệp, vốn góp, vốn cổ phần, vốn Nhà nước;
  • Thặng dư vốn cổ phần là chênh lệch giữa mệnh giá cổ phiếu với giá thực tế phát hành;
  • Lợi nhuận giữ lại là lợi nhuận sau thuế giữ lại để tích luỹ bổ sung vốn;
  • Các quỹ như quỹ dự trữ, quỹ dự phòng, quỹ đầu tư phát triển;
  • Lợi nhuận chưa phân phối là lợi nhuận sau thuế chưa chia cho chủ sở hữu hoặc chưa trích lập các quỹ;
  • Chênh lệch tỷ giá, gồm:
+ Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng;​
+ Chênh lệch tỷ giá phát sinh khi doanh nghiệp ở trong nước hợp nhất BCTC của các hoạt động ở nước ngoài sử dụng đơn vị tiền tệ kế toán khác với đơn vị tiền tệ kế toán của doanh nghiệp báo cáo.​

  • Chênh lệch đánh giá lại tài sản là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản với giá trị đánh giá lại tài sản khi có quyết định của Nhà nước, hoặc khi đưa tài sản đi góp vốn liên doanh, cổ phần.
Tình hình kinh doanh
  • Các yếu tố liên quan trực tiếp đến việc xác định lợi nhuận, phản ánh tình hình kinh doanh gồm:
    Các yếu tố Doanh thu, thu nhập khác và Chi phí
  • Các yếu tố này có thể trình bày theo nhiều cách trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Để cung cấp thông tin cho việc đánh giá năng lực của doanh nghiệp.
Doanh thu và Thu nhập khác
  • Doanh thu là khoản phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh, bao gồm:
Doanh thu bán hàng, doanh thu cung cấp dịch vụ, tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức và lợi nhuận được chia…
  • Thu nhập khác là các khoản thu nhập phát sinh từ các hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu bao gồm:
Thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng,…

Chi phí
Chi phí bao gồm:
  • Chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường. Ví dụ: Giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, …
  • Chi phí khác bao gồm các chi phí ngoài các chi phí sản xuất: Chi phí về thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, khoản tiền bị phạt do vi phạm hợp đồng,…
Chuẩn mực kế toán 01: Ghi nhận các yếu tố của báo cáo tài chính
BCTC phải ghi nhận các yếu tố về tình hình tài chính và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp theo từng khoản mục. Và ghi nhận khi thoả mãn cả hai tiêu chuẩn:
  • Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế hoặc làm giảm lợi ích kinh tế trong tương lai;
  • Khoản mục đó có giá trị và xác định được giá trị một cách đáng tin cậy.
Ghi nhận tài sản
Điều kiện ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán :
  • Khi doanh nghiệp có khả năng chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai; và
  • Giá trị của tài sản đó được xác định một cách đáng tin cậy.
Nếu tài sản không đáp ứng đủ 2 điều kiện trên, thì ghi nhận ngay vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh khi phát sinh.
Ghi nhận nợ phải trả
Điều kiện ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán :
  • Doanh nghiệp sẽ phải dùng một lượng tiền chi ra để trang trải cho những nghĩa vụ hiện tại mà doanh nghiệp phải thanh toán; và
  • Khoản nợ phải trả đó phải xác định được một cách đáng tin cậy.
Ghi nhận doanh thu và thu nhập khác
Điều kiện ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán :
  • Khi thu được lợi ích kinh tế trong tương lai có liên quan tới sự gia tăng về tài sản; hoặc
  • Giảm bớt nợ phải trả và giá trị gia tăng đó phải xác định được một cách đáng tin cậy.
Ghi nhận chi phí
Điều kiện ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán :
  • Khi các khoản chi phí này làm giảm bớt lợi ích kinh tế trong tương lai có liên quan đến việc giảm bớt tài sản hoặc tăng nợ phải trả; và
  • Chi phí này phải xác định được một cách đáng tin cậy.
 

Top